Nguyên tắc hoạt động của đồng hồ vạn năng chỉ thị số là biến đổi các đại lượng như dòng điện, điện áp, điện trở thành điện áp một chiều, chỉ thị số thể hiện kết quả đo dưới dạng tương ứng với tín hiệu đo.
              Đồng hồ vạn năng chỉ thị số hiển thị kết quả trực tiếp bằng con số trên màn hình tinh thể lỏng, vì vậy người đo không phải chú ý đến những vấn đề với kim và thang đọc để có kết quả chính xác. Mặt khác, đồng hồ số có thể hiển thị một giá trị rất nhỏ, do vậy nó được ứng dụng với những phép đo cần độ chính xác cao. Một ưu điểm rất quan trọng khác nữa của đồng hồ chỉ thị số so với đồng hồ chỉ thị kim là đồng hồ hiện số chính xác hơn nhiều.
              Hiện nay có rất nhiều loại đồng hồ vạn năng chỉ thị số trên thị trường, một trong số đó là đồng hồ vạn năng chỉ thị số Kyoritsu Model 1009:
             (1) Màn hình LCD hiển thị kết quả đo.
             (2) Các phím chức năng (RESET: Khởi động lại; SELECT: Lựa chọn; RANGE: Phạm vi; REL: Trở về trước; HOLD: Giữ kết quả đo; Hz/DUTY: Tần số/nhiệm vụ).
             (3) Các thang đo: Điện áp xoay chiều, điện áp một chiều, điện trở, điện dung, tần số, cường độ dòng điện (µA, mA, A).
             (4) Đảo mạch chọn thang đo.
             (5) Lỗ cắm dây đỏ khi đo cường độ dòng điện (10A: Đo dòng cỡ A; mA: đo dòng cỡ mA).
             (6) Lỗ cắm dây đen.
             (7) Lỗ cắm dây đỏ khi đo hiệu điện thế, điện trở, tần số.
             Hướng dẫn sử dụng đồng hồ để đo kiểm tra các đại lượng và linh kiện
             1. Đo điện áp một chiều:
             + Cắm dây que đo: Que đen ở lỗ COM, que đỏ ở lỗ V/Ω/Hz.
             + Bật thang đo về chế độ đo điện áp một chiều (như minh họa ở hình 7).
             + Đặt 2 que đo vào vị trí cần đo, que đỏ đặt về nơi có điện thế cao, que đen đặt về nơi có điện thế thấp.
             + Đọc con số trên màn hình hiển thị.
             Một số lưu ý khi đo điện áp một chiều:
             * Nếu đo điện áp một chiều nhưng cắm dây que đỏ ở lỗ mA hoặc 10A (đo cường độ dòng điện) thì đồng hồ sẽ không hiện được kết quả nhưng không bị hỏng.
             * Nếu con số trên màn hình LCD nhảy liên tục (không hiện một giá trị cố định) thì nhấn phím HOLD để giữ kết quả đo.
             * Đối với đồng hồ vạn năng chỉ thị số Kyoritsu 1009, điện áp một chiều cũng như xoay chiều tối đa đo được là 600V.
             * Nếu thấy trước kết quả trên màn hình có dấu (-) chứng tỏ đang để ngược que đo, phải đảo lại.

             2. Đo điện áp xoay chiều:
             + Cắm dây que đo: Que đen ở lỗ COM, que đỏ ở lỗ V/Ω/Hz.
             + Bật thang đo về chế độ đo điện áp xoay chiều.
             + Đặt 2 que đo vào vị trí cần đo (không cần quan tâm chiều que đo).
             + Đọc con số trên màn hình hiển thị.
             Một số lưu ý khi đo điện áp xoay chiều:
             Như phần đo điện áp một chiều, trừ lưu ý cuối cùng.

             3. Đo cường độ dòng điện một chiều và xoay chiều:
             + Cắm dây que đo: Que đen ở lỗ COM, que đỏ ở lỗ mA hoặc 10A (tùy theo phạm vi giá trị cường độ dòng điện).
             + Bật thang đo về chế độ đo cường độ dòng điện (có thể là µA, mA hoặc A nhưng nếu không chắc chắn thì không nên để ở µA vì giá trị này quá nhỏ).
             + Ngắt mạch tại vị trí cần đo
             + Đặt 2 que đo vào vị trí cần đo (nếu đo cường độ dòng điện một chiều thì que đỏ đặt về nơi có điện thế cao, que đen đặt về nơi có điện thế thấp còn nếu đo xoay chiều thì không cần quan tâm chiều que đo).
             + Đọc con số trên màn hình hiển thị.
             Một số lưu ý khi đo cường độ dòng điện một chiều và xoay chiều:
             * Nếu đo cường độ dòng điện nhưng cắm dây que đỏ ở lỗ V/Ω/Hz (đo điện áp, điện trở, điện dung) thì đồng hồ sẽ bị hỏng.
             * Nếu con số trên màn hình LCD nhảy liên tục (không hiện một giá trị cố định) thì nhấn phím HOLD để giữ kết quả đo.
             * Khi đo dòng điện xấp xỉ 10A thì thời gian cho phép tối đa là 15 giây để không làm hỏng đồng hồ.

             4. Đo điện trở
             + Cắm dây que đo: Que đen ở lỗ COM, que đỏ ở lỗ V/Ω/Hz.
             + Bật đảo mạch về thang đo điện trở
             + Đặt 2 que đo vào 2 chân điện trở hoặc vị trí cần đo, trong phép đo điện trở cũng không cần quan tâm đến chiều que đo.
             + Đọc con số trên màn hình hiển thị.
             Một số lưu ý khi đo điện trở:
             * Khi đo giá trị điện trở >10KΩ, không để cả 2 tay tiếp xúc với que đo hoặc chân điện trở.
             * Nếu đo điện trở nhưng cắm dây que đỏ ở lỗ mA hoặc 10A (đo cường độ dòng điện) thì đồng hồ sẽ không hiện được kết quả nhưng không bị hỏng.
             * Nếu con số trên màn hình LCD nhảy liên tục (không hiện một giá trị cố định) thì nhấn phím HOLD để giữ kết quả đo.

             5. Đo tần số
             + Cắm dây que đo: Que đen ở lỗ COM, que đỏ ở lỗ V/Ω/Hz.
             + Bật đảo mạch về thang đo tần số (Hz)
             + Đặt 2 que đo vào vị trí cần đo (ví dụ nguồn điện 220V/50Hz).
             + Đọc con số trên màn hình hiển thị.
             Một số lưu ý khi đo tần số:
             * Nếu đo tần số nhưng cắm dây que đỏ ở lỗ mA hoặc 10A (đo cường độ dòng điện) thì đồng hồ sẽ không hiện được kết quả nhưng không bị hỏng.
             * Nếu con số trên màn hình LCD nhảy liên tục (không hiện một giá trị cố định) thì nhấn phím HOLD để giữ kết quả đo.

             6. Đo điện dung
             + Cắm dây que đo: Que đen ở lỗ COM, que đỏ ở lỗ V/Ω/Hz
             + Bật đảo mạch về thang đo điện dung (có ký hiệu tụ điện)
             + Đặt 2 đầu que đo vào 2 đầu tụ điện
             + Đọc con số trên màn hình hiển thị.
             Một số lưu ý khi đo điện dung:
             * Trước khi đo phải chập 2 chân của tụ để xả hết điện tích trên 2 bản cực nếu có.
             * Nếu đo điện dung nhưng cắm dây que đỏ ở lỗ mA hoặc 10A thì đồng hồ sẽ không hiện được kết quả nhưng không bị hỏng.
             Một số lưu ý chung khi sử dụng đồng hồ chỉ thị số
             - Trước khi sử dụng đồng hồ, phải nghiên cứu kỹ cách khai thác vận hành.
             - Phân biệt rõ các vị trí trên thang đo và các núm chức năng, tránh thao tác nhầm lẫn.
             - Kiểm tra dây que đo, vị trí cắm dây que đo.
             - Tránh cầm vào phần kim loại ở đầu que đo để bảo đảm an toàn và kết quả đo được chính xác.
            - Đối với đồng hồ Kyoritsu 1009, khi đang đo điện áp, điện trở... chuyển sang đo cường độ dòng điện phải đổi vị trí cắm que dương (từ lỗ V/W/Hz sang lỗ mA hoặc 10A tuỳ theo mức cường độ dòng điện tương ứng) để tránh làm hỏng đồng hồ.
             - Sau mỗi lần đo phải bật đảo mạch về vị trí OFF để tắt đồng hồ.
 
              Bước 1: Thiết lập que đo và đưa vào 2 đầu điện trở, sau đó đảo mạch lựa chọn thang đo. Thực hiện đo, kiểm tra giá trị các điện trở theo giá trị tùy chọn tương ứng với vạch màu. So sánh kết quả trên màn hành đồng hồ vạn năng chỉ thị số với giá trị thực tế của điện trở. 
              Bước 2: Thiết lập que đo và đảo mạch lựa chọn thang đo, tiến hành đo giá trị điện áp ra 1 chiều từ bộ nguồn. Thực hiện lần lượt đối với các giá trị điện áp ra khác nhau.
              Bước 3: Lựa chọn chế độ AC ở bộ nguồn. Thiết lập que đo và đảo mạch lựa chọn thang đo, tiến hành đo giá trị điện áp ra xoay chiều từ bộ nguồn. Thực hiện lần lượt đối với các giá trị điện áp ra khác nhau.
              Bước 4: Thiết lập que đo và đảo mạch lựa chọn thang đo, tiến hành đo giá trị điện áp mạng điện lưới ở các nước Châu âu. 
              Bước 5: Thiết lập que đo và đảo mạch lựa chọn thang đo, tiến hành đo giá trị điện áp mạng điện lưới ở Mỹ. 
                  



KHAI THÁC TỪ TRANG eDuMedia
VIDEO THAM KHẢO
1. Đo kiểm tra, đánh giá chất lượng cấu kiện thụ động
- Điện trở
Click VÀO ĐÂY để xem và tải về Video

- Tụ điện

Click VÀO ĐÂY để xem và tải về Video

2. Đo điện áp trên Panel đo lường điện tử
Click VÀO ĐÂY để xem và tải về Video

3. Đo dòng điện trên Panel đo lường điện tử
Click VÀO ĐÂY để xem và tải về Video

4. Đo tần số mạng điện lưới
Click VÀO ĐÂY để xem và tải về Video